Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội mà Nhà nước quan tâm nhằm hỗ trợ người lao động trong thời gian thất nghiệp. Có 03 vướng mắc về bảo hiểm thất nghiệp mà NLĐ thường quan tâm. Mời bạn đọc cùng Vinatax tìm hiểu nhé.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ;
- Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Khái niệm Bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật việc làm 2013, Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu như sau:
“Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.”
Như vậy, Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là biện pháp hay giải pháp để giúp người lao động khắc phục tình trạng thất nghiệp, trợ giúp kịp thời cho những người thất nghiệp không có công ăn việc làm trong thời gian nghỉ việc mà chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới.
03 vướng mắc về Bảo hiểm thất nghiệp NLĐ quan tâm
1. Có thể ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không?
- Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 17, Khoản 4 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật việc làm và bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng hoặc nhận quyết định hưởng TCTN khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
+ Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
+ Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Như vậy, Nghị định chỉ quy định trường hợp người lao động được ủy quyền nộp hồ sơ đề nghị hưởng và nhận quyết định hưởng TCTN chứ không có quy định nào cho phép người lao động được ủy quyền cho người khác nhận tiền TCTN.
- Do vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động KHÔNG ĐƯỢC ỦY QUYỀN cho người khác nhận TCTN thay mình dù vì bất cứ lý do nào.
2. Đang hưởng TCTN mà có việc làm có phải nộp lại tiền trợ cấp không?
-
Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP về các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thì:
“Điều 21. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
b) Có việc làm;
…”
Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên.
+ Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Như vậy, khi người lao động có việc làm mới trong thời gian hưởng TCTN thì sẽ không được tiếp tục hưởng TCTN. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có việc mới, người lao động phải thông báo đến với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng TCTN để chấm dứt việc hưởng.
- Theo Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì: Người lao động đang hưởng TCTN bị chấm dứt việc hưởng vào những ngày của tháng đang hưởng TCTN thì người lao động vẫn được hưởng TCTN của cả tháng đó.
Như vậy, khi người lao động có việc làm mới tại tháng đang hưởng TCTN, nếu người lao động thực hiện việc thông báo để chấm dứt hưởng TCTN đúng thời hạn thì vẫn được tiếp tục hưởng TCTN cho tháng đó, nghĩa là không phải nộp lại số tiền đã nhận.
Ngược lại, trường hợp người lao động không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi tìm được việc làm mới thì ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, người lao động còn phải nộp lại số tiền đã nhận.
3. Nếu dừng hưởng TCTN do có việc làm mới thì khoảng thời gian chưa hưởng có được bảo lưu để hưởng TCTN lần sau không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5, Điều 21 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP:
“Điều 21. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
…
5. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các Điểm b, c, h, l, m và n Khoản 1 Điều này thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệpcho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.”
Để xác định một người lao động đang hưởng TCTN mà có việc làm mới, chấm dứt hưởng TCTN có được bảo lưu thời gian chưa hưởng để hưởng những lần sau hay không, cần căn cứ vào:
Trường hợp 1: Người lao động có việc làm mới, thực hiện đúng quy định về thông báo có việc làm để chấm dứt hưởng TCTN.
Thì khoảng thời gian thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận TCTN được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng.
Thời gian bảo lưu = Tổng thời gian đóng TCTN – thời gian đã hưởng TCTN.
Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A đóng bảo hiểm thất nghiệp 48 tháng, thời gian được hưởng TCTN của ông A theo quy định là 04 tháng. Tuy nhiên, sau khi hưởng được 02 tháng thì ông A tìm được việc làm và thông báo lên trung tâm dịch vụ việc làm để bảo lưu lại thời gian chưa hưởng TCTN. Vậy thời gian được bảo lưu lại của ông A là bao nhiêu?
Theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng TCTN của ông A được tính tương ứng 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Vậy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = 48 – (2 x 12) = 24 tháng.
Trường hợp 2: Người lao động có việc làm mới, không thông báo có việc làm để chấm dứt hưởng TCTN dẫn tới bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thì khoảng thời gian thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận TCTN không được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.”
Trên đây là chia sẻ của Vinatax về 03 vướng mắc về Bảo hiểm thất nghiệp NLĐ quan tâm.