Hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp trong thời kỳ công nghệ. Việc áp dụng hóa đơn điện tử cần tuân thủ theo các quy định hiện hành. Hiện chữ viết trên HĐĐT là chữ viết không dấu. Bài viết hôm nay mời bạn đọc cùng Vinatax gỡ vướng mắc về chữ viết không dấu trên hóa đơn điện tử nhé.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ
- Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ,
- Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ,
- Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ
Gỡ vướng mắc về chữ viết không dấu trên hóa đơn điện tử
- Căn cứ Điều 59, Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ:
Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022; Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP, Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022.
Trong thời gian nêu trên, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo đơn vị chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì đơn vị vẫn áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Căn cứ Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
+ Tại Khoản 1 Điều 6 quy định về nội dung của hóa đơn điện tử:
“1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:
…
g) Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị. Trường hợp không có quy định cụ thể giữa người mua và người bán về ngôn ngữ sử dụng trong việc lập hóa đơn điện tử để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thì ngôn ngữ được sử dụng trên hóa đơn điện tử (hóa đơn xuất khẩu) là tiếng Anh.
Trường hợp sử dụng dấu phân cách là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị để ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải ghi rõ tại Thông báo phát hành hóa đơn điện tử nội dung này.
Các nội dung quy định từ điểm b đến điểm d khoản 1 Điều này phải phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, xác định được người mua hàng (hoặc người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), tên hàng hóa dịch vụ – hoặc nội dung thu tiền.”
- Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 sửa đổi điểm k khoản 1 Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014:
“1. Sửa đổi điểm k Khoản 1 Điều 4 như sau
“k) Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.
Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; Người bán được lựa chọn: sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị hoặc sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán;
Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.
Mỗi mẫu hóa đơn sử dụng của một tổ chức, cá nhân phải có cùng kích thước (trừ trường hợp hóa đơn tự in trên máy tính tiền được in từ giấy cuộn không nhất thiết cố định độ dài, độ dài của hóa đơn phụ thuộc vào độ dài của danh mục hàng hóa bán ra).”
Căn cứ các quy định trên:
Trường hợp Công ty sử dụng chữ tiếng Việt không dấu trên hóa đơn điện tử thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC. Công ty tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung hóa đơn điện tử được lập.
Trên đây là chia sẽ của Vinatax về việc Gỡ vướng mắc về chữ viết không dấu trên hóa đơn điện tử.