Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đảm ứng được các điều kiện hàng hóa để cung ứng cho 1 doanh nghiệp khác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên bên bán còn gặp khó khăn trong việc xuất hóa đơn. Hôm nay Vinatax chia sẻ hướng dẫn tỷ giá ghi trên hóa đơn khi phát sinh hoạt động bán hàng cho 1 doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu ra nước ngoài.
I. Quy định liên quan về tỷ giá ghi trên hóa đơn
“3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.
- Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014.”
Điều 18. Tài khoản 131 – Phải thu của khách hàng
1. Nguyên tắc kế toán
…
e) Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết các khoản nợ phải thu của khách hàng theo từng loại nguyên tệ. Đối với các khoản phải thu bằng ngoại tệ thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Khi phát sinh các khoản nợ phải thu của khách hàng (bên Nợ tài khoản 131), kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi chỉ định khách hàng thanh toán). Riêng trường hợp nhận trước của người mua, khi đủ điều kiện ghi nhận doanh thu thì bên Nợ tài khoản 131 áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền đã nhận trước;
- Khi thu hồi nợ phải thu của khách hàng (bên Có tài khoản 131) kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng khách nợ (Trường hợp khách nợ có nhiều giao dịch thì tỷ giá thực tế đích danh được xác định là tỷ giá bình quân gia quyền di động các giao dịch của khách nợ đó). Riêng trường hợp phát sinh giao dịch nhận trước tiền của người mua thì bên Có tài khoản 131 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế (là tỷ giá ghi vào bên Nợ tài khoản tiền) tại thời điểm nhận trước;
- Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản phải thu của khách hàng có gốc ngoại tệ tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại khoản phải thu của khách hàng là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều khoản phải thu và giao dịch tại nhiều ngân hàng thì được chủ động lựa chọn tỷ giá mua của một trong những ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản phải thu của khách hàng có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
“Điều 69: Tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái
1. Quy định về tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá hối đoái
…
1.5. Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán
a) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với:
-
Các tài khoản phản ánh doanh thu, thu nhập khác. Riêng trường hợp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập có liên quan đến doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập).
-
Các tài khoản phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí khác. Riêng trường hợp phân bổ khoản chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ thì chi phí được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận chi phí).
-
Các tài khoản phản ánh tài sản. Riêng trường hợp tài sản được mua có liên quan đến giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước cho người bán (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản).
…”
II. Hướng dẫn tỷ giá ghi trên hóa đơn
- Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp Công ty có phát sinh bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu ra nước ngoài thì thời điểm lập hóa đơn GTGT là thời điểm Công ty chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
- Trường hợp Công ty được phép bán hàng thu ngoại tệ thì khi lập hóa đơn GTGT tổng số tiền thanh toán được ghi bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt. Đồng thời, Công ty ghi tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi Công ty mở tài khoản tại thời điểm lập hóa đơn.
- Trường hợp theo thỏa thuận tại Hợp đồng, Công ty nhận các khoản tiền ứng trước không gắn liền với hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng hàng hóa và không gắn với việc hoàn thành từng việc cung ứng dịch vụ thì Công ty không phải lập hóa đơn khi nhận các khoản tiền cung ứng trước này. Doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập)
Trên đây là chia sẻ của Vinatax hướng dẫn tỷ giá ghi trên hóa đơn. Mời bạn đọc tham khảo, đồng thời, căn cứ tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và đối chiếu với quy định tại các văn bản pháp luật để áp dụng theo quy định.