Thời gian làm việc tại doanh nghiệp ảnh hưởng đến chế độ BHXH của người lao động. Quá trình làm việc, ít nhiều người lao động sẽ xảy ra các trường hợp nghỉ dài ngày vì lý do khách quan, chủ quan. Mời bạn đọc cùng Vinatax lưu ý các trường hợp khi NLĐ nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng nhé.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
II. Các trường hợp NLĐ nghỉ và chế độ BHXH có liên quan
1. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
- Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì người lao động (NLĐ) không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
- Khi NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, doanh nghiệp phải làm thủ tục báo giảm lao động.
2. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
- Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
3. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
- Theo Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thì NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Theo quy định tại Khoản 6 Điều Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, thì NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Như vậy, NLĐ nghỉ thai sản nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH nhưng vẫn được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Lưu ý: Khi báo giảm lao động, doanh nghiệp lưu ý ghi chú cụ thể thời gian nghỉ thai sản để cơ quan bảo hiểm xã hội đối chiếu và giải quyết.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Vinatax về các trường hợp NLĐ nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
——————————————————————————————————-
Nội dung chia sẻ trên đây mang tính chất tham khảo. Bạn đọc căn cứ tình hình thực tế của Công ty mình và quy định pháp luật để thực hiện nhé. Mọi thắc mắc và thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Hotline: 0896 472 479 để được tư vấn, hỗ trợ.